Tổng hợp diễn biến thị trường nhóm nông sản Chicago (CBOT) kết thúc phiên giao dịch ngày 10/07/2025
1. ĐẬU TƯƠNG VÀ SẢN PHẨM PHỤ
Giá đậu tương kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) kết phiên thứ Năm tăng nhẹ, phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tháng gần 10 USD/giạ. Động thái này diễn ra khi các nhà giao dịch điều chỉnh vị thế trước báo cáo cung cầu cây trồng hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự kiến công bố vào thứ Sáu. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi tại khu vực Trung Tây Mỹ đã kìm hãm đà tăng, theo nhận định từ giới môi giới.
- Hợp đồng đậu tương CBOT tháng 8 tăng 3,5 cent, lên mức 10,12-1/2 USD/giạ, sau khi chạm đáy trong ngày tại 10,01-3/4 USD.
- Hợp đồng đậu tương vụ mới tháng 11 tăng 6,5 cent, lên 10,13-3/4 USD/giạ, phục hồi sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 là 10,02-1/4 USD.
Giá khô đậu tương kỳ hạn cũng tăng, sau khi nhiều hợp đồng trước đó đã chạm mức thấp kỷ lục trong vòng đời. Hợp đồng tháng 8 tăng 2 USD, đạt 271,40 USD/tấn ngắn, sau khi rơi xuống mức thấp nhất hợp đồng là 267,60 USD.
Giá dầu đậu tương CBOT giao tháng 8 tăng 0,20 cent, đóng cửa ở mức 53,49 cent/pound.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) báo cáo doanh số xuất khẩu đậu nành vụ cũ của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 3 tháng 7 là 503.000 tấn và doanh số bán vụ mới hàng tuần là 248.400 tấn, phù hợp với kỳ vọng thương mạI.
Trước thềm báo cáo cung cầu hàng tháng, cuộc khảo sát của Reuters cho thấy các nhà phân tích kỳ vọng USDA sẽ nâng dự báo lượng tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2024/25 và 2025/26.
Tại Brazil, cơ quan cung ứng nông sản Conab ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2024/25 đạt 169,5 triệu tấn – gần như không thay đổi so với dự báo tháng trước là 169,6 triệu tấn.
2. NGÔ
Giá ngô kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) kết phiên thứ Năm trong trạng thái ổn định đến tăng nhẹ. Động lực chính đến từ doanh số xuất khẩu hàng tuần mạnh mẽ của Mỹ và hoạt động mua bù thiếu (short-covering) trước thềm báo cáo cung cầu nông sản hàng tháng của USDA sẽ công bố vào thứ Sáu. Tuy nhiên, thời tiết gần như lý tưởng tại vùng trồng ngô chính của Mỹ đã nâng triển vọng mùa vụ, qua đó kìm hãm đà tăng giá, theo nhận định từ các thương nhân.
- Hợp đồng ngô tháng 9 giữ nguyên ở mức 3,99-1/4 USD/giạ, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất phiên là 3,96-1/4 USD – cũng là mức thấp nhất kể từ khi hợp đồng được niêm yết.
- Hợp đồng ngô vụ mới tháng 12 tăng nhẹ 1 cent, đạt 4,16-1/2 USD/giạ.
Về xuất khẩu:
- USDA ghi nhận doanh số ngô vụ cũ trong tuần kết thúc tuần ngày 3/7 đạt 1.262.100 tấn – vượt xa mức kỳ vọng của thị trường (cao hơn dự kiến thương mại từ 375.000–900.000 tấn).
- Doanh số vụ mới cũng đạt 888.600 tấn, cao hơn dự kiến.
Ngoài ra, theo báo cáo bán hàng hàng ngày, USDA xác nhận một lô riêng lẻ gồm 110.000 tấn ngô vụ mới đã được bán cho một điểm đến chưa được tiết lộ.
Trước khi báo cáo cung/cầu tháng 7 được công bố, các nhà phân tích do Reuters khảo sát dự đoán rằng chính phủ Mỹ sẽ điều chỉnh giảm ước tính lượng tồn kho ngô còn lại vào cuối niên vụ 2024/25 và 2025/26.
Tại Brazil, cơ quan cung ứng nông sản Conab đã nâng dự báo sản lượng ngô năm 2024/25 lên mức kỷ lục 131,97 triệu tấn – tăng 2,9% so với mức ước tính tháng trước là 128,25 triệu tấn.
3. LÚA MÌ
Giá lúa mì kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 1,4% trong phiên thứ Năm. Động lực chính đến từ lo ngại về sự chậm trễ xuất khẩu của Nga – nước cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới – và hoạt động mua bù bán khống trước thềm báo cáo cung cầu nông sản tháng 7 của USDA công bố vào thứ Sáu, theo các thương nhân.
- Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông CBOT tháng 9 tăng 7-1/2 cent, lên 5,54-1/2 USD/giạ. Giá vượt qua đường trung bình động 50 ngày (khoảng 5,51 USD), đồng thời chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 4 phiên liên tiếp.
- Các quỹ đầu tư hàng hóa vẫn đang nắm giữ vị thế bán ròng lúa mì CBOT, khiến thị trường nhạy cảm với các đợt mua bù bán khống.
- Lúa mì cứng đỏ mùa đông giao tháng 9 trên sàn Kansas City tăng 10-3/4 cent, lên 5,34-3/4 USD/giạ.
- Lúa mì xuân Minneapolis tháng 9 tăng nhẹ 1/4 cent, đạt 6,31-3/4 USD/giạ.
Trên sàn Euronext châu Âu, giá lúa mì tăng hơn 2% do lo ngại về xuất khẩu từ Nga khiến các nhà đầu tư tranh thủ mua vào ở vùng giá thấp.
Chính phủ Nga đã yêu cầu thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu nông sản, trong bối cảnh xuất khẩu lúa mì trong tháng 7 được dự báo xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là do tiến độ thu hoạch chậm và nông dân hạn chế bán ra, dẫn tới nguồn cung khan hiếm.
Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lúa mì lớn – ghi nhận sản lượng lúa mì niên vụ này giảm 0,1% so với năm trước do hạn hán nghiêm trọng tại các vùng trồng chủ lực như tỉnh Hà Nam.
Về xuất khẩu:
- USDA báo cáo doanh số xuất khẩu lúa mì Mỹ niên vụ 2025/26 trong tuần kết thúc ngày 3/7 đạt 567.800 tấn – gần chạm mức cao nhất trong khoảng dự báo từ 200.000 đến 600.000 tấn.
Theo khảo sát của Reuters trước báo cáo cung cầu và sản lượng cây trồng hàng tháng của USDA vào thứ Sáu (11/7):
- Các nhà phân tích kỳ vọng USDA sẽ hạ dự báo sản lượng lúa mì Mỹ niên vụ 2025/26.
- Ước tính tồn kho lúa mì cuối vụ của Mỹ và toàn cầu dự kiến chỉ điều chỉnh nhẹ