TIN TỨC 24 GIỜ
Sở giao dịch ngũ cốc Rosario (Rosario Grains Exchange) hôm thứ Tư cho biết, sản lượng ngô niên vụ 2024/25 của Argentina hiện được ước tính đạt 48,5 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 44,5 triệu tấn trong dự báo trước đó.
Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (Conab) hôm thứ Năm đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024/25 của nước này – nhà sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới – lên 167,87 triệu tấn, so với mức 167,37 triệu tấn trong ước tính trước đó.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại việc mua lúa mì từ Nga trong năm nay sau khi dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu vào tháng 3, theo dữ liệu được công bố hôm thứ Tư, và chỉ trong vòng một tháng, nước này đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ ba.
Cơ quan quản lý Cảng Santos – cảng lớn nhất ở Nam bán cầu – cho biết họ sẽ nạo vét luồng cảng sâu hơn để thu hút các tàu có tải trọng lớn hơn trong những năm tới.
Nhà Trắng xác nhận thuế Mỹ lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên tổng cộng 145% sau lần tăng gần đây nhất
TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Thị trường đậu tương ngày hôm qua tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận phiên thứ tư liên tiếp với mức tăng 1,6%. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi diễn biến thuế quan mới nhất, cùng triển vọng xuất khẩu tích cực.
Về yếu tố thương mại quốc tế, thị trường đã đón nhận sự nhẹ nhõm nhất định sau khi chính quyền Mỹ thay đổi chiến lược, giảm thuế cho các đối tác hợp tác nhưng lại tăng mạnh mức thuế với Trung Quốc lên 145%, tạo áp lực kinh tế lớn với Bắc Kinh để thúc đẩy đàm phán. Nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc thậm chí còn có thể được đẩy mạnh. Động thái này được thị trường đánh giá tích cực, hỗ trợ đà tăng giá bất chấp căng thẳng thương mại còn kéo dài.
Báo cáo xuất khẩu hàng tuần lại không tích cực như kỳ vọng với doanh số bán hàng chỉ đạt 172 nghìn tấn, thấp hơn 58% so với tuần trước. Tuy nhiên, việc đồng USD giảm giá khoảng 2% đã hỗ trợ đậu tương Mỹ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Thực tế, đậu tương Mỹ FOB từ tháng 6–7 có giá rẻ hơn Brazil và Argentina, điều này hỗ trợ tâm lý thị trường bất chấp sản lượng đậu tương Brazil ở mức cao. Đây là yếu tố cũng đã hỗ trợ giá đậu tương trong phiên vừa rồi.
Vào hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đã công bố báo cáo WASDE tháng 4. Theo đó, cơ quan này tăng nhẹ tồn kho đậu tương toàn cầu lên mức 122,47 triệu tấn, từ mức 121,41 triệu tấn hồi tháng trước. Tồn kho đậu tương nội địa Mỹ giảm 5 triệu giạ xuống còn 375 triệu giạ, chủ yếu do nhu cầu ép dầu gia tăng. Nhìn chung, báo cáo WASDE tháng này có tác động khá trung lập đến thị trường, khiến giá không nhiều biến động sau khi báo cáo được công bố.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu cũng đều đồng loạt tăng giá. Giá khô đậu tương tăng 1,6%, do lo ngại hoạt động xuất khẩu. Tại Argentina, tất cả các tàu chở ngũ cốc và sản phẩm nông nghiệp đã không thể vào hoặc rời khỏi cụm cảng Rosario vào hôm qua do công đoàn tiến hành đình công phản đối chính sách chính phủ.
NGÔ VÀ LÚA MÌ
Thị trường nông sản ngày hôm qua chứng kiến những diễn biến trái chiều giữa các mặt hàng chủ chốt là ngô và lúa mì.
Giá ngô ghi nhận phiên tăng mạnh thứ năm liên tiếp với mức tăng 1,9%. Động lực chính của diễn biến này đến từ các thông tin tích cực trong báo cáo WASDE tháng 4 từ USDA. Báo cáo điều chỉnh tăng xuất khẩu ngô của Mỹ thêm 100 triệu giạ, đồng thời giảm nhẹ nhu cầu tiêu thụ nội địa, khiến tồn kho cuối kỳ giảm xuống 1,465 tỷ giạ – mức thấp nhất trong ba niên vụ gần đây. Trên phạm vi toàn cầu, tồn kho ngô cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ (287,65 triệu tấn), khi nhu cầu toàn cầu tăng cao hơn mức tăng sản lượng nhẹ từ EU.
Ngoài ra, việc đồng USD giảm mạnh 2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 đã hỗ trợ tích cực cho thị trường ngô khi giúp sản phẩm Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Nguồn cung hạn chế, do nông dân ưu tiên chuẩn bị gieo trồng hơn bán hàng, cũng góp phần củng cố giá ngô trong phiên.
Trong khi đó, thị trường lúa mì lại trải qua một phiên giao dịch ảm đạm hơn, với giá giảm nhẹ dưới 1%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ báo cáo WASDE tháng 4 mang tính tiêu cực, khi USDA dự báo tồn kho cuối kỳ của Mỹ cao hơn dự đoán, tăng thêm 27 triệu giạ lên 846 triệu giạ, chủ yếu do xuất khẩu tiếp tục bị cắt giảm và nhập khẩu tăng lên. Đặc biệt, tồn kho lúa mì HRW tăng mạnh lên 408 triệu giạ là yếu tố gây áp lực mạnh nhất trong phiên giao dịch này.
Trên thị trường toàn cầu, tồn kho lúa mì điều chỉnh nhẹ, tăng 620 nghìn tấn lên 260,70 triệu tấn, dù đây vẫn là mức tồn kho thấp nhất kể từ niên vụ 2015/16. Thị trường lúa mì cũng bị tác động bởi sự cạnh tranh gia tăng khi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ nối lại nhập khẩu lúa mì từ Nga, và Algeria, Jordan tăng cường nhập khẩu lúa mì từ nhiều nguồn khác nhau