TIN TỨC MỚI CUỐI TUẦN
Theo số liệu công bố hôm thứ Sáu từ cơ quan nông nghiệp Pháp FranceAgriMer, tính đến ngày 7/4, 75% diện tích lúa mì mềm tại Pháp được đánh giá ở tình trạng tốt đến rất tốt, giảm nhẹ so với mức 76% của tuần trước đó.
Tiến độ thu hoạch đậu tương tại bang Rio Grande do Sul – bang cuối cùng thu hoạch niên vụ đậu tương ở Brazil – đã đạt 50% tổng diện tích gieo trồng. Tuy nhiên, năng suất giữa các khu vực lại có sự phân hóa rõ rệt trong niên vụ 2024/25. Một số vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn và nắng nóng, trong khi những khu vực khác gặp điều kiện thuận lợi hơn, theo thông tin từ cơ quan hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp bang (Emater) công bố.
DỰ BÁO THỜI TIẾT TUẦN NÀY
Tại Argentina, dự kiến thời tiết ẩm ướt trên khắp vùng Pampas có thể cản trở giai đoạn cuối của vụ thu hoạch trên toàn khu vực trong tháng 5. Tuy nhiên, nhiệt độ gia tăng sẽ khiến cho độ ẩm bay hơi nhanh chóng hơn và hạn chế tác động tiêu cực đối với mùa vụ ngô và đậu tương.
Tại Brazil, dự báo phần lớn thời tiết sẽ tác động trung lập đối với các loại cây trồng trên khắp cả nước. Nhiệt độ sẽ gia tăng ở khu vực Đông bắc Brazil, trong khi các khu vực còn lại sẽ gần với mức bình thường. Miền nam Brazil sẽ ẩm ướt hơn nhưng thời tiết khô hạn đang phát triển ở khu vực tiếp giáp Trung Tây.
Tại Biển Đen, tình trạng khô hạn dự kiến có thể làm tăng rủi ro, nhưng do độ ẩm sẵn có trong đất cao nên tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Dự báo mùa vụ thuận lợi cho châu Âu, với thời tiết chủ yếu ôn hòa, ấm áp nhẹ ở khu vực trung tâm và lượng mưa cục bộ tăng ở phía tây. Ngoài ra, độ ẩm ở Pháp dự báo cũng sẽ cải thiện.
TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Trong tuần kết thúc ngày 13/04, giá đậu tương đã tăng mạnh 6,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022. Đà tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố hỗ trợ như xuất khẩu ổn định, các điều chỉnh chính sách thương mại từ phía Mỹ và rủi ro gián đoạn nguồn cung tại Nam Mỹ.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ giá đậu tương là hoạt động xuất khẩu duy trì ở mức tích cực. Báo cáo Giao hàng Xuất khẩu của USDA cho thấy giao hàng đạt hơn 805 nghìn tấn trong tuần, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong tuần, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng công bố đơn hàng bán 198 nghìn tấn đậu tương cho khách hàng giấu tên – đơn hàng đầu tiên kể từ đầu tháng 3, cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ vẫn ổn định, bất chấp căng thẳng thuế quan kéo dài.
Chính sách thương mại từ phía Mỹ tiếp tục là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường. Việc chính quyền Tổng thống Trump giảm thuế cho hơn 70 quốc gia đã thúc đẩy hy vọng về khả năng Mỹ đạt được thêm các thỏa thuận thương mại mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Dù căng thẳng với Trung Quốc chưa hạ nhiệt, thị trường vẫn phản ứng tích cực trước triển vọng mở rộng xuất khẩu sang các đối tác khác.
Bên cạnh đó, tình trạng đình công tại cụm cảng Rosario của Argentina – trung tâm xuất khẩu đậu tương lớn nhất của quốc gia này – đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa ra thị trường toàn cầu. Đây là yếu tố khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, góp phần củng cố lực mua trên thị trường trong tuần vừa rồi.
Cuối cùng, báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới WASDE tháng 4 cho thấy tồn kho đậu tương nội địa Mỹ giảm nhẹ xuống còn 375 triệu giạ trong khi tồn kho toàn cầu tăng không đáng kể. Dù báo cáo có tác động trung lập, việc nhu cầu ép dầu tăng và tồn kho Mỹ thấp hơn dự báo vẫn góp phần củng cố xu hướng tăng giá trong tuần
NGÔ VÀ LÚA MÌ
Thị trường ngô đã chứng kiến một đợt phục hồi mạnh lên mức cao nhất trong 2 tháng qua, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cung – cầu (WASDE) tháng 4. Trong báo cáo này, tồn kho ngô của Mỹ và thế giới thấp hơn so với kỳ vọng, qua đó làm dấy lên làn sóng mua kỹ thuật và tạo động lực cho xu hướng giá đi lên.
USDA cắt giảm dự báo lượng ngô tồn kho cuối niên vụ 2024/25 của Hoa Kỳ xuống còn 1,465 tỷ giạ, tương đương khoảng 37,2 triệu tấn – mức thấp nhất trong hai năm qua. Mức điều chỉnh giảm này tương đương gần 5%, tức cao hơn nhiều so với dự báo trước đó của giới phân tích là chỉ giảm khoảng 30 triệu giạ. Nguyên nhân của đợt điều chỉnh này là do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều mạnh hơn dự kiến. Đáng chú ý, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu ngô của Mỹ trong niên vụ 2024/25 lên mức 2,55 tỷ giạ, mức cao nhất trong vòng bốn năm và tăng khoảng 11% so với năm ngoái, cho thấy triển vọng xuất khẩu ngô của Mỹ đang rất tích cực, bất chấp những bất ổn toàn cầu liên quan đến thương mại và thuế quan.
Không chỉ tại Mỹ, tồn kho ngô toàn cầu cũng bị điều chỉnh giảm trong báo cáo lần này. USDA hạ dự báo lượng tồn kho toàn cầu cuối niên vụ 2024/25 xuống còn 287,65 triệu tấn – mức thấp nhất kể từ niên vụ 2014/15.
Sau 4 phiên biến động giằng co trong khoảng đi ngang, giá lúa mì đã bật tăng trong phiên cuối tuần, đánh dấu một sự phục hồi rõ nét. Tính chung cả tuần, giá lúa mì ghi nhận mức tăng hơn 5%, chấm dứt chuỗi giảm mạnh kéo dài suốt hai tháng trước đó.
Theo báo cáo WASDE mới nhất của USDA, lượng lúa mì dự trữ cuối kỳ của Mỹ trong niên vụ 2024/25 đã được nâng lên mức 846 triệu giạ, mức cao nhất trong vòng bốn năm. Trên quy mô toàn cầu, dự trữ lúa mì vào cuối niên vụ 2024/25 được điều chỉnh tăng nhẹ lên 260,7 triệu tấn – chỉ cao hơn một chút so với mức dự báo hồi tháng 3 và gần sát với kỳ vọng của giới phân tích. Ngược lại, báo cáo từ Nga – quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới – cho biết, thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến vụ lúa mì mùa đông trong tuần qua đã khiến giá lúa mì hồi phục trở lại.