TIN TỨC 24 GIỜ
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin ngày thứ Hai, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 709 triệu tấn, với đậu tương dẫn đầu mức tăng trưởng.
Khoảng 90% diện tích cây vụ đông của Nga hiện đang ở trong tình trạng tốt hoặc chấp nhận được, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết, đồng thời kêu gọi chính phủ hỗ trợ đầy đủ cho nông dân trong chiến dịch gieo trồng và công tác đồng áng vụ xuân.
Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ vào Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh các đơn hàng được ký vào cuối năm 2024 khi người mua lo ngại nguy cơ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mưa lớn cuối tuần qua tại Texas, Oklahoma và Missouri giúp cải thiện độ ẩm đất cho vùng Đồng bằng phía Tây khô hạn. Tiến độ gieo trồng tại Trung Tây diễn ra tốt, dù một số khu vực có thể bị trì hoãn bởi mưa.
TỔNG HỢP VÀ PHÂN TÍCH
ĐẬU TƯƠNG
Giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ 0,68% trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường không giữ được đà tăng vào đầu phiên, khi giá nhanh chóng quay đầu suy yếu theo xu hướng chung của các mặt hàng nông sản.
Yếu tố thời tiết tại Mỹ không có tác động đáng kể đến thị trường. Mưa lớn cuối tuần qua tại Texas, Oklahoma và Missouri đã cải thiện độ ẩm đất tại các khu vực khô hạn, hỗ trợ tiến độ gieo trồng tại khu vực Midwest. Dù có khả năng một số khu vực bị trì hoãn do mưa, thị trường vẫn đánh giá đây là rủi ro ngắn hạn và chưa đáng lo ngại vào thời điểm hiện tại.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 2,44 triệu tấn đậu tương Mỹ trong tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ và nâng tổng nhập khẩu quý I lên 11,6 triệu tấn, cao hơn 62% so với năm trước. Mặc dù vậy, các chuyên gia dự báo đậu tương Brazil sẽ chiếm lĩnh thị trường trong các tháng tới khi mùa thu hoạch tại nước này bước vào cao điểm. Ngoài ra, sản lượng đậu tương nội địa Trung Quốc cũng dự kiến tăng 2,5% trong năm nay, cho thấy xu hướng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong dài hạn. Đây là yếu tố đã góp phần gây sức ép lên giá.
Trong khi đó, một số thông tin thương mại tích cực đã xuất hiện nhưng chưa đủ lực để đảo chiều thị trường. Trong đó có việc Mỹ và Ấn Độ đạt được một thỏa thuận thương mại song phương, và đề xuất thu phí tàu Trung Quốc theo Điều 301 được sửa đổi theo hướng loại trừ hàng nông sản, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động xuất khẩu đậu tương. Nhật Bản cũng được cho là đang cân nhắc tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, nhưng chưa có chi tiết cụ thể.
Tương tự đậu tương, hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu đều đồng loại suy yếu. Giá dầu đậu tương giảm nhẹ không đáng kể 0,1%, cho thấy phe bán đã quay trở lại thị trường sau 5 phiên tăng liên tiếp. Sự thiếu rõ ràng về chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học tại Mỹ tiếp tục làm suy yếu kỳ vọng tiêu thụ dầu đậu tương của nước này, khiến giá chịu áp lực.
NGÔ VÀ LÚA MỲ
Thị trường ngô mở đầu tuần mới với phiên giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Mặc dù lực bán không quá mạnh, nhưng đà tăng của giá cũng chững lại, khi các nhà giao dịch cố gắng cân đối giữa loạt dữ liệu xuất khẩu khả quan với áp lực suy yếu lan tỏa từ các mặt hàng khác trong nhóm nông sản.
Lực mua ban đầu trong phiên có phần được hỗ trợ bởi đà sụt giảm mạnh của đồng đô la Mỹ, vốn vừa chạm mức thấp nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, diễn biến này cũng đi kèm với rủi ro biến động chính sách, khi căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell ngày càng gia tăng – đặc biệt trong bối cảnh Fed vẫn tỏ ra miễn cưỡng với việc cắt giảm lãi suất.
Ở phương diện cơ bản, xuất khẩu ngô Mỹ trong tuần đạt 67,0 triệu giạ, vẫn vượt toàn bộ khoảng ước tính của các nhà phân tích (47,2 – 65,2 triệu giạ). Mexico tiếp tục là khách hàng lớn nhất, chiếm khoảng 19,3 triệu giạ.
Từ góc độ dòng tiền, báo cáo mới nhất cho thấy các quỹ đầu cơ đã quay lại mua ròng 71 nghìn hợp đồng ngô trong tuần trước, nâng tổng vị thế mua ròng lên gần 125 nghìn hợp đồng. Đồng thời, các quỹ chỉ số cũng mua ròng gần 42 nghìn hợp đồng, chấm dứt chuỗi 7 tuần bán ròng liên tiếp – một yếu tố đáng chú ý cho thấy thị trường đang bắt đầu có sự tái phân bổ dòng vốn vào nhóm nông sản.
Giá lúa mì khởi đầu tuần mới chịu áp lực giảm. Lực bán vẫn chiếm ưu thế khi mưa xuất hiện tại khu vực Trung Tây và vùng Đồng bằng – những khu vực trồng lúa mì quan trọng của Mỹ – làm gia tăng lo ngại về áp lực nguồn cung nội địa, trong bối cảnh mùa vụ đang dần chuyển sang giai đoạn sinh trưởng quan trọng.
Trong tuần qua, các quỹ đầu cơ đã trở lại mua ròng trên cả ba sàn giao dịch chính: 7,7 nghìn hợp đồng ở MGEX (lúa mì xuân), 5,7 nghìn ở CBOT (lúa mì mềm) và 2,5 nghìn ở KC (lúa mì cứng đỏ). Tuy nhiên, vị thế bán ròng tổng thể vẫn ở mức cao, phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu cơ khi thị trường thiếu động lực tăng giá rõ ràng