Bản tin nông sản 24/03/2025: Giá đậu tương giảm, ngô tăng, giá lúa mì không thay đổi

TIN TỨC 24 GIỜ Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tại Rio Grande do Sul, Safras & Mercado đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2024/25. Việc cắt giảm này cũng kéo theo mức tồn kho cuối kỳ thấp hơn. Dù vậy, với hơn 70% […]

Bản tin nông sản 24/03/2025: Giá đậu tương giảm, ngô tăng, giá lúa mì không thay đổi

TIN TỨC 24 GIỜ

Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tại Rio Grande do Sul, Safras & Mercado đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2024/25. Việc cắt giảm này cũng kéo theo mức tồn kho cuối kỳ thấp hơn. Dù vậy, với hơn 70% diện tích đã thu hoạch, sản lượng năm nay dự kiến vẫn đạt mức cao kỷ lục, tạo áp lực lên giá cả.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo tồn kho ngũ cốc toàn cầu đạt 578 triệu tấn trong niên vụ 2025/26, tăng nhẹ 1 triệu tấn so với năm trước. Sản lượng dự kiến đạt 2,37 tỷ tấn, tăng từ 2,31 tỷ tấn của niên vụ 2024/25. Đối với lúa mì, tồn kho dự báo giảm xuống 259 triệu tấn từ mức 265 triệu tấn, dù cả sản lượng và nhu cầu đều tăng.

THỜI TIẾT MÙA VỤ

Tại Mỹ, khu vực Midwest trải qua thời tiết rất ấm trong tuần trước, trong khi tình trạng hạn hán vẫn tiếp diễn trên phần lớn khu vực. Các hệ thống thời tiết khác dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển, bao gồm một dải tuyết dày. Lượng mưa xuất hiện rải rác giúp cải thiện tình trạng hạn hán ở một số khu vực.

Tại Biển Đen, nhiệt độ tiếp tục ấm, khuyến khích cây lúa mì phát triển.

Tuy nhiên, độ ẩm trong đất rất thấp khiến lúa mì phát triển trong điều kiện kém.

DỰ BÁO THỜI TIẾT TUẦN NÀY

Tại Mỹ, trong tháng 4, thời tiết chủ yếu ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa mì mùa đông và giai đoạn gieo trồng sớm của ngô và đậu tương. Với điều kiện thời tiết khô và ấm phổ biến, sự phát triển của lúa mì mùa đông có thể bị hạn chế do thiếu độ ẩm trong đất, nhưng nhiệt độ cao sẽ giúp giảm nguy cơ sương giá. Ở các khu vực sản xuất ngô và đậu tương, thời tiết khô ráo sẽ thuận lợi cho tiến độ gieo trồng sớm, nhưng cũng có thể làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu độ ẩm, đặc biệt là ở những khu vực vốn đã có mức dự trữ nước thấp.

Về nhiệt độ, nhiệt độ trong tháng 4 dự kiến sẽ cao hơn bình thường tại vùng Trung Tây Mỹ. Hai khu vực có khả năng mát hơn bình thường là Tây Bắc và Đông Nam.

Lượng mưa trong tháng 4 được dự báo sẽ thấp hơn mức trung bình trên phần lớn khu vực trên khắp cả nước.

TỔNG HỢP & PHÂN TÍCH

ĐẬU TƯƠNG

Trong tuần kết thúc ngày 23/03, giá đậu tương tiếp tục giảm nhẹ 0,62%, đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp suy yếu. Mặc dù diễn biến giá trong các phiên tương đối giằng co, tuy nhiên, phe mua vẫn có phần chiếm ưu thế do đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn cung Nam Mỹ.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (Anec), xuất khẩu đậu tương tháng 3 của Brazil được dự báo đạt mức kỷ lục gần 15,56 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2 triệu tấn, tạo sức ép lớn lên giá quốc tế. Bên cạnh đó, báo cáo ép dầu tháng Hai của NOPA cũng gây tâm lý tiêu cực khi sản lượng ép dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua, phản ánh nhu cầu nội địa yếu hơn kỳ vọng. Đồng thời, hoạt động thu hoạch tại Brazil cũng góp phần tạo áp lực lên giá đậu tương khi tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2024/25 tại quốc gia này đã đạt khoảng 66-70%, nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái (khoảng 62-63%). Đây là tốc độ thu hoạch nhanh nhất trong tháng 3 kể từ khi AgRural bắt đầu theo dõi dữ liệu vào niên vụ 2010/11. Khu vực miền Bắc và Đông Bắc Brazil đang thúc đẩy tiến độ thu hoạch, bù đắp cho khởi đầu chậm trước đó. Tiến độ thu hoạch nhanh tại Brazil đồng nghĩa nguồn cung toàn cầu sẽ sớm được bổ sung mạnh mẽ, gây áp lực giảm giá đối với thị trường quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng.

Ở chiều ngược lại, đà giảm có phần bị kìm hãm do triển vọng nhu cầu khả quan. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 106 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2025/26, tăng 2% so với năm trước, phản ánh nhu cầu ổn định của quốc gia này. Theo dữ liệu hải quan, trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,13 triệu tấn đậu tương từ Mỹ, tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tiến độ gieo trồng chậm ở Brazil làm dấy lên kỳ vọng về một vụ thu hoạch muộn, thúc đẩy Trung Quốc gia tăng mua đậu tương từ Mỹ để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Triển vọng nhu cầu tích cực cũng góp phần hỗ trợ lực mua trên thị trường trong tuần vừa rồi.

NGÔ VÀ LÚA MÌ

Giá ngô kết thúc tuần giao dịch vừa qua trong sắc xanh, cắt đứt chuỗi 3 tuần liên tiếp giảm trước đó. Các thông tin chủ yếu tác động bearish nên chúng tôi cho rằng lực mua phần lớn đến từ yếu tố kĩ thuật. Giá đang điều chỉnh trở lại sau chuỗi giảm sâu kể từ cuối tháng 2.

Yếu tố hỗ trợ giá mạnh mẽ nhất trong tuần trước đến từ số liệu xuất khẩu của Mỹ. Doanh số bán ngô trong tuần qua đạt 1,56 triệu tấn, tăng 55% so với tuần trước và nằm trong mức cao hơn của ước tính thị trường (0,8 – 1,8 triệu tấn). Lũy kế doanh số bán cho năm tiếp thị 2024/25 hiện đạt 31,37 triệu tấn, nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu ngô trong tuần giảm 10% so với tuần trước, nhưng vẫn cao hơn 12% so với mức trung bình bốn tuần trước đó, đạt 1,69 triệu tấn.

Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn khi quốc gia mua hàng lớn nhất là Trung Quốc đang ghi nhận mức nhập khẩu thấp nhất trong 7 niên vụ vừa qua. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng ngay cả những dự báo đã được điều chỉnh giảm cũng khó có thể đạt được. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 180.000 tấn ngô trong tháng 1 và 2, nâng tổng lượng nhập khẩu niên vụ 2024-25 (bắt đầu từ tháng 10) lên 1,07 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2017-18, khi lượng nhập khẩu trong năm tháng đầu chỉ đạt 1,03 triệu tấn.

Hiện tại, thị trường ngô đang hướng sự chú ý đến báo cáo dự báo diện tích trồng trọt của Mỹ sẽ công bố vào ngày 31/3. Một số tổ chức đã dự báo diện tích ngô năm nay của Mỹ sẽ mở rộng và điều này có thể khiến cho giá chịu sức ép trong tuần này.

Giá lúa mì trải qua một tuần biến động mạnh mẽ nhưng đóng cửa ở mức thay đổi không đáng kể, như diễn biến của 2 tuần trước đó. Diễn biến trên cũng phản ánh tâm lý giằng co và tác động trái chiều của các thông tin cơ bản cung cầu mặt hàng này.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo tồn kho dự báo giảm xuống 259 triệu tấn từ mức 265 triệu tấn, dù cả sản lượng và nhu cầu đều tăng. Ngược lại, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất lớn trên toàn cầu khiến cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ chậm lại khiến cho giá lúa mì CBOT đã suy yếu trở lại ngay khi chạm vùng kháng cự 575.

zalo-icon