Điểm tin ngày 22/11/2024: Trung Quốc công bố chính sách thúc đẩy thương mại trước lo ngại về thuế quan với Mỹ

🎯 Trung Quốc công bố chính sách thúc đẩy thương mại trước lo ngại về thuế quan với Mỹ Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy thương mại nước ngoài, bao gồm cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp […]

Điểm tin ngày 22/11/2024: Trung Quốc công bố chính sách thúc đẩy thương mại trước lo ngại về thuế quan với Mỹ

🎯 Trung Quốc công bố chính sách thúc đẩy thương mại trước lo ngại về thuế quan với Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy thương mại nước ngoài, bao gồm cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Với mối đe dọa từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế hơn 60% lên tất cả hàng hóa Trung Quốc, điều này đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc lo ngại và đẩy nhanh quá trình chuyển nhà máy sang Đông Nam Á và các khu vực khác.

Bộ Thương mại cho biết, Trung Quốc sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp thêm sản phẩm để giúp các doanh nghiệp quản lý rủi ro tiền tệ và tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô để giữ cho đồng nhân dân tệ “ổn định hợp lý”.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ nhập khẩu các thiết bị cốt lõi và sản phẩm năng lượng, theo tuyên bố của bộ.

Theo một khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế, Mỹ có thể áp thuế gần 40% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu năm tới, điều này có thể khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm tới 1 điểm phần trăm.

🎯 Nông dân tức giận chặn cảng Bordeaux để gây áp lực lên chính phủ Pháp

Một nhóm nông dân biểu tình đã cố gắng phong tỏa hoạt động tại cảng Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, khi làn sóng phẫn nộ trong ngành nông nghiệp gia tăng tại quốc gia sản xuất nông sản lớn nhất châu Âu.

Các nông dân cùng dàn xe kéo của họ đã chặn tất cả các con đường dẫn vào cảng, nơi kết nối thành phố Bordeaux với Đại Tây Dương qua sông Garonne, theo ông Jose Perez, đại diện công đoàn địa phương từ liên minh Coordination Rurale.

Đối với nhiều nông dân, cảng này – bao gồm cả một nhà ga ngũ cốc – tượng trưng cho sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất nước ngoài, những người không phải tuân thủ các quy định tương tự như tại Pháp.

Động thái của Liên minh châu Âu nhằm kết thúc các cuộc đàm phán thương mại kéo dài với các quốc gia Mỹ Latinh đã làm bùng phát sự tức giận ở Pháp, nơi nông dân vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ các vụ thu hoạch bị mưa làm hỏng, dịch bệnh gia súc và cuộc bầu cử sớm làm trì hoãn các biện pháp hỗ trợ đã hứa.

🎯 Năng suất lúa mì tây Australia vượt kỳ vọng

Sản lượng lúa mì tại tây Australia dự kiến sẽ đạt 10,33 triệu tấn, tăng 420.000 tấn so với dự báo một tháng trước, làm tăng kỳ vọng rằng sản lượng của nước này sẽ vượt ước tính trước vụ thu hoạch, Hiệp hội Ngành Ngũ cốc Tây Úc (GIWA) cho biết.

“Năng suất ngũ cốc cho đến nay cao hơn kỳ vọng ở hầu hết các khu vực,” GIWA nhận định. Tổng sản lượng ngũ cốc và hạt có dầu của Tây Úc sẽ là mùa vụ lớn thứ ba trong lịch sử, dù lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình tại hầu hết các khu vực, báo cáo cho biết thêm.

“Đây là một kết quả đáng kinh ngạc khi xét đến khởi đầu khô hạn và lượng mưa thấp hơn trung bình tại tất cả các khu vực, ngoại trừ vùng nông nghiệp phía bắc.”

Tuy nhiên, GIWA lưu ý rằng mưa lớn trong tuần qua đã làm chậm tiến độ thu hoạch và có thể ảnh hưởng đến chất lượng ngũ cốc ở một số khu vực.

Ước tính gần nhất của chính phủ cho rằng Úc sẽ sản xuất 31,8 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2024/25, cao hơn khoảng 20% so với tổng sản lượng 2023/24 và mức trung bình 10 năm qua.

🎯 IGC hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu do thu hoạch kém ở EU

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2024/25, một phần do triển vọng thu hoạch suy giảm tại Liên minh châu Âu (EU).

Trong báo cáo cập nhật hàng tháng, IGC đã giảm dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu xuống còn 796 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với dự báo trước đó.

Sản lượng lúa mì của EU được điều chỉnh giảm xuống còn 120,3 triệu tấn, so với mức dự báo trước đó là 121,8 triệu tấn và thấp hơn đáng kể so với 133,1 triệu tấn của niên vụ trước. Nguyên nhân chính là do vụ mùa nhỏ nhất trong 40 năm qua tại Pháp và sản lượng giảm mạnh ở Đức, hai quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất khối EU, khi phải hứng chịu mưa lớn liên tục.

IGC đã tăng nhẹ dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2024/25 lên 1,225 tỷ tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước đó. Sản lượng ngô tại châu Phi được điều chỉnh tăng lên 91 triệu tấn, từ mức 86,8 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức 93,8 triệu tấn của niên vụ trước.

Đối với đậu tương, IGC đã giảm dự báo sản lượng toàn cầu xuống còn 419 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với dự báo trước, chủ yếu do ước tính sản lượng tại Mỹ giảm. Tuy vậy, sản lượng này vẫn cao hơn đáng kể so với 396 triệu tấn của niên vụ trước.

🛑Tốc độ gieo trồng đậu tương của Argentina ở mức cao

Hoạt động gieo trồng đậu tương niên vụ 2024/25 tại Argentina đang diễn ra nhanh chóng nhờ lượng mưa gần đây, hỗ trợ cây trồng sớm phát triển, theo Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE).

Tiến độ trồng đậu tương tại quốc gia xuất khẩu dầu và khô đậu tương hàng đầu thế giới đã tăng thêm 16 điểm phần trăm trong tuần qua, lên mức 35,8% trên tổng diện tích 18,6 triệu héc-ta cho niên vụ hiện tại, theo báo cáo tuần của BAGE.

Tiến độ được thúc đẩy nhờ điều kiện độ ẩm tốt ở phần lớn các khu vực nông nghiệp trọng điểm. Các nông dân cũng báo cáo kết quả phát triển cây trồng khả quan, mặc dù có một số trường hợp hạt giống không đạt chất lượng tiêu chuẩn.

Ở chiều ngược lại, tiến độ gieo trồng ngô cho niên vụ 2024/25 chỉ tăng 0,8 điểm phần trăm trong tuần qua do nông dân ưu tiên gieo trồng đậu tương. Đến nay, 39,4% trên tổng diện tích 6,3 triệu héc-ta trồng ngô dự kiến đã được gieo trồng.

Đối với lúa mì, tiến độ thu hoạch hiện đã đạt 29,3% trên tổng sản lượng lúa mì dự kiến 18,6 triệu tấn, BAGE cho biết thêm.

zalo-icon